TPHCM – Dự kiến đến năm 2040, TPHCM mới chuyển 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) lên thành phố, trễ hơn 10 năm so với kế hoạch trước đây.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng trước
Kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau đó, cả 5 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đều muốn lên thành phố trước 2030.
Nguyên nhân chính là mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được giai đoạn từ nay đến năm 2030 do quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Hơn nữa, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều.
Do vậy, mô hình thành phố thuộc TPHCM sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị, nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.
Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM sau đó nhận thấy việc các huyện đề xuất lên thành phố sẽ khiến giá đất tăng vọt, gây khó khăn trong thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng sau này. Ngoài ra, việc lên thành phố trong khi hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ sẽ dẫn đến phát triển theo vết dầu loang, mất kiểm soát.
Trong khi mục đích phát triển các huyện nhằm khai thác lợi thế từng địa phương, hình thành vùng động lực, cực tăng trưởng mới cho TPHCM.
Do đó, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các huyện ngoại thành không xin chủ trương lên quận hoặc thành phố. Nhiệm vụ của các huyện là nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành khung kết cấu hạ tầng giao thông, khu đô thị lớn cùng các thiết chế văn hoá – xã hội.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã giao các sở, ngành và UBND 5 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè lên kế hoạch tổ chức thực hiện dự thảo danh mục dự án, công trình ưu tiên bố trí vốn hoặc ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Quyết tâm phát triển đô thị đa trung tâm
Theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị, TPHCM đang nỗ lực hướng tới một hệ thống đô thị đa trung tâm, nhưng cũng còn nhiều điều phải bàn.
Hạ tầng xã hội và việc làm của các đô thị vệ tinh còn khá kém. Ngoài TP Thủ Đức, TPHCM muốn phát triển về hướng Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh… Nhưng những dự án địa ốc ở các vành đai của TPHCM hiện chủ yếu là nhà ở, rất thiếu bệnh viện, trường học và nhiều hạ tầng khác để tạo ra việc làm.
Cũng theo ông Sơn, với mô hình đa trung tâm, chắc chắn sẽ không chỉ có một TP Thủ Đức, mà sẽ có nhiều thành phố nhỏ khác. Tuy nhiên, TP Thủ Đức từ khi thành lập đến nay chưa có tính đột phá, đạt hiệu quả, có tính thuyết phục để trở thành mô hình điểm có thể nhân rộng.
Do đó, trước khi TP Thủ Đức đạt được thành tựu lớn, TPHCM không nên vội vàng lập nên nhiều thành phố con khác, mà nên tập trung dồn sức cho TP Thủ Đức đạt hiệu quả.
Ông Ngô Viết Nam Sơn còn cho rằng, khi đứng dưới góc độ kinh tế – xã hội, không loại trừ khả năng một số huyện bị chia cắt làm 2, làm 3 để nhập vào địa phương khác. Do đó, thành phố nên chia sao cho người dân hợp tác với nhau hiệu quả trong khuôn viên thành phố, tạo được bản sắc đô thị độc đáo của thành phố nhỏ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, điểm nghẽn trong quy hoạch hiện hữu là thành phố gần như chỉ có một đô thị trung tâm nên người dân từ khắp nơi đổ về, dẫn đến tắc nghẽn giao thông.
Do đó, trong quy hoạch lần này, thành phố quyết tâm hình thành 5 vùng đô thị, tập trung nguồn lực đầu tư hình thành những khu đô thị hoàn chỉnh, đáp ứng ít nhất 60% chức năng tại chỗ. “Nếu làm được sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề dân số, không gian đô thị, không gian phát triển, giải quyết điểm nghẽn giao thông” – ông Phan Văn Mãi nói.
Theo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trình các cấp thẩm quyền thông qua, từ nay đến năm 2030, TPHCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức.
Riêng 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ sẽ tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Giai đoạn 2030 – 2040, TPHCM tổ chức 5 vùng đô thị gồm: đô thị trung tâm; TP Thủ Đức; thành phố phía Nam (Nhà Bè, Quận 7); thành phố Tây Nam (Bình Chánh); thành phố Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn). Riêng huyện Cần Giờ sẽ tính toán vào thành phố phía Nam hoặc một đô thị đặc biệt.
Đến năm 2040, TPHCM sẽ hình thành thêm 5 thành phố giống như TP Thủ Đức hiện tại, từ đó xây dựng mô hình đa trung tâm.